
Thuê ngoài hiệu quả
Cách làm việc của CEO Tim Cook đó là các khâu làm việc thuộc về sáng tạo, đổi mới như hoạt động nghiên cứu, thiết kế và phát triển sản phẩm vẫn được tiến hành tại Hoa Kỳ còn những khâu còn lại như hoạt động sản xuất, vận chuyển, lưu kho sẽ được thuê ngoài (outsourcing). Dễ hiểu nhất chính là có thể tìm thấy dòng chữ “designed by Apple in California” (thiết kế bởi Apple tại California) ở mặt sau của những chiếc iPhone.
Tim Cook cũng rất nổi tiếng trong cách duy trì mối quan hệ với những nhà cung cấp. Các kỹ sư dưới thời Tim Cook phải dành hàng tháng trời đi công tác để theo dõi sâu sát các nhà cung cấp và nhà máy sản xuất. Các kỹ sư này chịu trách nhiệm điều chỉnh quy trình hoạt động để các đối tác luôn sẵn sàng hoạt động hiệu quả một khi đi vào sản xuất hàng loạt.
Đây chỉ là một trong những hoạt động thuê ngoài của Apple , minh chứng cho khả năng linh động trong thuê ngoài giúp Apple tập trung vào năng lực cốt lõi của mình nhất để để liên tục tung ra những sản phẩm mới thuyết phục người tiêu dùng. Apple là một công ty sản xuất không thực sự sở hữu dây chuyền sản xuất nào. Hiện nay, đối tác lắp ráp chính của Apple là Foxconn – công ty điện tử Đài Loan có trụ sở tại Thâm Quyến nhưng có nhiều nhà máy rải khắp Trung Quốc, một số ở Ấn Độ.
Linh kiện cho iPhone được sản xuất khắp nơi trên thế giới. Theo tiết lộ của CEO Tim Cook, các bộ phận của iPhone được sản xuất tại Ấn Độ, Thái Lan. Riêng ở Mỹ, nhà sản xuất điện tử Corning ở Kentucky và Texas cũng tham gia vào chuỗi cung ứng. Báo cáo của Investopedia cũng cho thấy, Apple đang liên kết với ít nhất 9 nhà sản xuất, lắp ráp và cung cấp linh kiện cho iPhone, gồm Foxconn, Wistron, Pegatron, Goertek, Luxshare, Qualcomm, Intel, Murata và Samsung. Các nhà máy của các đối tác trải khắp thế giới, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Singapore, Brazil và Philippines.

Quản lý tồn kho hiệu quả
Apple nổi tiếng với sự đổi mới và thiết kế. Nhưng ít ai biết rằng cách Apple xử lý hàng tồn kho cũng là một yếu tố dẫn đến thành công. Ngay từ đầu, câu thần chú của Tim Cook là cắt giảm hàng tồn kho, kho hàng và khiến các nhà cung cấp cạnh tranh với nhau.
Khi Cook ban đầu tiếp quản chuỗi cung ứng của Apple, ông đã cắt giảm số lượng nhà cung cấp linh kiện từ 100 xuống còn 24, buộc các công ty phải cạnh tranh cho hoạt động kinh doanh của Apple. Ông cũng đóng cửa 10 trong số 19 kho của Apple để hạn chế tình trạng tồn kho quá nhiều, và đến tháng 9 năm 1998, hàng tồn kho đã giảm từ một tháng xuống chỉ còn sáu ngày.
Nhìn lại 5 năm qua, vòng quay hàng tồn kho của Apple đã đạt mức thấp nhất vào tháng 9 năm 2018 là 37,2 lần. Điều đó có nghĩa là Apple đã chuyển hàng tồn kho của họ 10 ngày một lần. Giữ càng ít hàng tồn kho càng tốt là rất quan trọng. Vì chi phí kho hàng và đối thủ cạnh tranh có thể xảy ra. Các nhà sản xuất công nghệ không đủ khả năng để giữ quá nhiều sản phẩm trong kho vì chỉ một thông báo đột ngột từ đối thủ cạnh tranh hoặc một cải tiến mới có thể thay đổi mọi thứ và đột ngột làm giảm giá trị của sản phẩm trong kho.

Khả năng quản lý tài ba của thuyền trưởng Tim Cook

Tim Cook đã xây dựng một chuỗi cung ứng toàn cầu khổng lồ đủ để sản xuất hàng tỷ thiết bị, đồng thời tập trung vào một số dòng sản phẩm để giữ khách hàng trong hệ sinh thái khép kín của mình. Từ đó, người dùng tự sắm các thiết bị mới vài năm một lần và trả phí hàng tháng để dùng các dịch vụ mới mà công ty này ra mắt.Bên cạnh câu chuyện kinh doanh, Tim Cook cũng thay đổi công ty theo những chiều hướng tích cực cả về văn hóa và đóng góp xã hội. Dấu ấn đầu tiên của ông là những động thái quyết liệt với đối tác Foxconn để đảm bảo môi trường làm việc tốt hơn cho công nhân vào năm 2012. Những nỗ lực của ông đã được Hiệp hội công bằng lao động (FLA) của Mỹ ghi nhận. “Không có công ty nào trong ngành công nghiệp giúp cải thiện điều kiện của công nhân như Apple”, chủ tịch FLA, ông Auret van Heerden viết trong một bức thư năm 2012.
Tim Cook cũng luôn thúc đẩy Apple trở thành công ty “thân thiện với môi trường”. Họ vận hành các trụ sở bằng năng lượng tái tạo, mời một nhà hoạt động môi trường từng làm việc cho chính phủ Mỹ về giữ chức phó chủ tịch môi trường, chính sách xã hội, và vận hành những cơ sở, phòng nghiên cứu về tái chế sản phẩm.